02/03/2020 | 493 |
0 Đánh giá
Từng phát triển rầm rộ rồi lại “đứng hình”, nhưng từ cuối năm 2018 đến nay, thị trường bất động sản nhà ở Bình Dương trở lại sôi động cùng với làn sóng đầu tư ra vùng ven của các doanh nghiệp bất động sản. Nhiều doanh nghiệp trú đóng tại TP.HCM như Đất Xanh, Phú Đông Group, Vạn Xuân… đều đã có mặt tại Bình Dương với hàng nghìn căn hộ được tung ra thị trường. Khu vực này hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng tốc trong năm 2020 và thời gian tới.
Danh Tiến Corp

Bệ phóng hạ tầng

Trong số các tỉnh lân cận TP.HCM, Bình Dương được xem là nơi có kết nối giao thông với TP.HCM khá thuận tiện. Trong đó, Quốc lộ 13 là tuyến đường huyết mạch giúp kết nối Bình Dương với TP.HCM. Trước đây, tuyến đường này thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm, nhưng từ khi được nâng cấp mở rộng với sáu làn xe, việc lưu thông qua tuyến đường này cũng trở nên dễ dàng hơn.

Đặc biệt, từ khi tuyến đường Phạm Văn Đồng thông xe giai đoạn một vào năm 2013 và thông xe toàn tuyến vào năm 2016, kết nối giao thông từ TP.HCM về Bình Dương càng thêm thuận tiện.

Ngoài việc kết nối trực tiếp với TP.HCM, Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên khả năng kết nối đến các khu vực cũng ngày càng thông suốt. Các tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, tuyến đường đi qua các khu công nghiệp lớn tại Bến Cát, Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An để đến cửa ngõ sân bay và cảng biển quốc tế đã kết nối thông suốt cho Bình Dương và các địa phương trong vùng như kết nối với quốc lộ 1A, TP.HCM, Bình Phước. Đường ĐT744 kết nối Bình Dương với tỉnh Tây Ninh, ĐT741 kết nối Bình Dương với tỉnh Bình Phước. cũng góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh và các địa phương.

Một yếu tố tích cực nữa là việc kéo dài tuyến Metro số 1 từ ga Suối Tiên đến thị xã Dĩ An (Bình Dương). Dự kiến tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ được đưa vào khai thác từ năm 2020, kết hợp với hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa TP.HCM và Bình Dương, cũng như các tỉnh Nam Tây Nguyên. Bên cạnh đó, tuyến metro cũng giúp đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa và gia tăng giá trị bất động sản Bình Dương.

Ngoài hạ tầng giao thông vận tải phát triển đồng bộ, hệ thống giao thông đô thị cũng từng bước được đầu tư hoàn chỉnh. Tỉnh tập trung xây dựng các tuyến đường trục chính đô thị kết nối với các trung tâm đô thị, các khu công nghiệp như đường vào Trung tâm hành chính của tỉnh với quy mô tám làn xe; đường 7A kết nối các khu công nghiệp, đô thị của vùng Nam Bến Cát với đô thị Mỹ Phước hiện hữu với quy mô sáu làn xe. Bên cạnh đó tỉnh Bình Dương đã thông qua Nghị quyết thành lập hai thành phố Thuận An và Dĩ An. Đây cũng sẽ là động lực để thị trường bất động sản nơi đây ngày càng được quan tâm chú trọng phát triển cả về chất và lượng.

Thủ phủ của khu công nghiệp

Từ một tỉnh thuần về nông nghiệp, nguồn thu còn hạn chế khi tách tỉnh vào năm 1997, Bình Dương đã vươn lên Top những tỉnh dẫn đầu về nhiều chỉ số sau hơn 20 năm thu hút đầu tư. Lũy kế đến cuối tháng 9, Bình Dương có hơn 3.674 dự án với tổng vốn đầu tư trên 34,7 tỉ USD. Tính đến hết năm 2019, Bình Dương cũng là tỉnh đứng thứ ba cả nước về thu hút vốn đầu nước ngoài, sau Hà Nội và TP.HCM.

Trên địa bàn toàn tỉnh Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 16.000 ha và 12 cụm công nghiệp. Trong đó, có thể kể đến một số khu công nghiệp có quy mô lớn như: KCN Mỹ Phước (6.200 ha), KCN Bàu Bàng (2.000 ha), KCN Việt Nam - Singapore II (2.045 ha),...

Việc thành lập các khu, cụm công nghiệp đã giúp cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh trong những năm qua, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đưa Bình Dương trở thành một trong những tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp cao so với cả nước. Cùng với TP.HCM và Đồng Nai, Bình Dương là điểm đến được các nhà sản xuất mới thành lập săn đón nhờ có sẵn nền tảng để phát triển sản xuất, bao gồm hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và thủ tục hành chính được thiết lập tốt.

Sự ra đời và bùng nổ nhanh chóng của các khu công nghiệp chính là động lực thúc đẩy dân số Bình Dương tăng nhanh. Từ một tỉnh chỉ có khoảng 500.000 người vào năm 1995, hiện nay Bình Dương đang có khoảng 2,4 triệu người, đứng thứ sáu cả nước. Trong số đó có hơn 75% đang trong độ tuổi lao động. Chưa kể hàng năm lượng lao động nhập cư về đây tăng từ 2-2,5%/năm. Trong những năm qua, Bình Dương là địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao, đạt 78%, chỉ sau TP.HCM, và tốc độ tăng trưởng dân số thành thị cao nhất nước, lên tới 12,49%. 


(*) Xem thêm

Bình luận